Minh oan cho các hiểu lầm sai lệch về Paraben với làn da bọn mình

Nếu thường xuyên đọc review về các loại mỹ phẩm, chắc hẳn đã hơn một lần nàng nghe đến “Paraben” rồi đúng không nào? Các sản phẩm không chứa paraben trong bảng thành phần luôn được coi là ưu điểm hàng đầu, được đánh giá cao và ưu ái.

Tuy thế liệu nàng có bao giờ băn khoăn paraben thực sự là gì mà lại bị “xua đuổi” đến thế? Liệu paraben có phải là một thành phần gây hại? Nếu gây hại, tại sao không loại bỏ paraben ra khỏi tất cả các loại mỹ phẩm? Và còn rất rất nhiều câu hỏi khác xoanh quanh chủ đề này.

Hôm nay Phương muốn cùng nàng tìm hiểu thật cặn kẽ về paraben, xem bạn ấy có đúng là một “thành phần cá biệt” không nên kết thân, hay chỉ là một người bạn lỡ mang tiếng oan vì chúng ta chưa hiểu rõ hay không nhé.

Paraben là gì?

Paraben là tên gọi chung của một nhóm thành phần được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm mỹ phẩm, dược phẩm và cả thực phẩm.

Nhiều người thường nghĩ paraben là chất được tổng hợp ra trong phòng thí nghiệm, nhưng thực ra paraben vốn có nguồn gốc tự nhiên, sinh ra từ axit para-hydroxybenzoic (PHBA) và xuất hiện trong nhiều loại trái cây và rau quả như việt quất, phúc bồn tử hoặc cà rốt.

PHBA cũng được tìm thấy trong cơ thể người do sự phân hủy của một số amino axit. Các loại paraben được tổng hợp và sản xuất cho hàng tiêu dùng, mỹ phẩm,… cũng giống hệt với các dạng được tìm thấy trong tự nhiên.

Propylparaben là gì?

Propylparaben là một paraben phổ biến, dĩ nhiên chúng cũng là một chất bảo quản dùng để tăng tuổi thọ cho sản phẩm.  Propylparaben có nguồn gốc từ các loại rau quả, lúa mạch, trái nho…

Cũng như những paraben khác, nhiều câu hỏi đặt ra rằng Propylparaben có an toàn không. Câu trả lời là vào năm 2010 Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng của Liên minh Châu Âu đã tuyên bố Propylparaben an toàn cho người dùng miễn nồng độ của chúng trong sản phẩm không vượt quá 0.19%.

Methyl paraben là gì

Methyl Paraben là một dẫn xuất của paraben, cũng là một chất bảo quản được cho phép sử dụng trong các loại mỹ phẩm với nồng độ nhất định. Methyl Paraben là metyl este của axit p-hydroxybenzoic.

Tại sao mỹ phẩm lại cần có paraben?

Mỹ phẩm hầu hết được sản xuất dưới dạng lỏng hoặc kem mềm, đây là môi trường rất dễ sinh sôi các loại vi khuẩn và nấm mốc.

Bên cạnh đó việc vận chuyển mỹ phẩm từ nơi này qua nơi khác mất một thời gian khá lâu (có thể lên tới 3 tháng) và không phải lúc nào cũng trong điều kiện lý tưởng của nhiệt độ phòng (25oC).

Vì vậy trong mỹ phẩm cần có một chất bảo quản để ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển, giúp sản phẩm có thời gian sử dụng lâu hơn và ổn định hơn.

Paraben chính là nguyên liệu hoàn hảo để giải quyết vấn đề này nhờ tính kháng khuẩn, kháng nấm, giá thành rẻ, dễ sản xuất và không gây kích ứng.

Ngoài ra paraben có khoảng pH rất rộng từ 3 – 8 nên rất dễ dàng để phối trộn với các thành phần khác có trong sản phẩm.

Những tên gọi của Paraben thường thấy trong mỹ phẩm?

Để nhận biết một sản phẩm có chứa paraben, nàng có thể tìm những cái tên sau trong danh sách bảng thành phần:

Những tranh cãi xoay quanh Paraben

Paraben đã từng là một thành phần được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm nhờ những ưu điểm kể trên.

Mọi việc bắt đầu vào năm 2004, khi một nghiên cứu đã thử nghiệm 20 khối u vú ở người và tìm thấy paraben trong tất cả các khối u này.

Theo đó paraben được cho là có khả năng làm gia tăng lượng estrogen – hormone gây ra ung thư vú ở nữ giới và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Paraben còn được tìm thấy trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phẩm hoặc dược phẩm có chứa thành phần này.

Ngay lập tức, trên nhiều mặt báo paraben trở thành một chất bảo quản độc hại và có thể gây ung thư. Một làn sóng tẩy chay các sản phẩm có chứa paraben diễn ra, trong đó có rất nhiều sản phẩm của những thương hiệu lớn và khiến paraben trở thành đề tài gây tranh cãi cho đến tận hôm nay.

Vậy liệu tất cả các loại paraben đều xấu? Và phải chăng paraben nguy hiểm đến thế?

Tất cả các nghiên cứu về paraben đều là thí nghiệm trên chuột và cá. Các nhà nghiên cứu cho rằng paraben liên kết với thụ thể estrogen trong tế vào ung thư vú và tử cung của chuột.

Tuy vậy hãy xem sự tương quan giữa các nghiên cứu này với paraben có trong mỹ phẩm chăm sóc da.

Trong nghiên cứu về ung thư vú, các tế bào ung thư ở người có mức paraben vượt quá 10,000 lần so với lượng paraben mà cơ thể có thể hấp thụ từ các loại mỹ phẩm.

Tương tự, paraben tìm thấy trong tử cung chuột có nồng độ cao hơn rất nhiều so với paraben có trong mỹ phẩm.

Trong nghiên cứu với cá, paraben mà cá được cho ăn có liều lượng từ 100 – 300 mg/kg, nếu mô phỏng thí nghiệm này lên một phụ nữ có cân nặng 74 kg (mức trung bình của một phụ nữ Mỹ) thì sẽ cần đến 15,000 mg paraben để có kết quả tương tự.

Hãy làm một phép so sánh: Cơ thể của người trung bình có khoảng 14,800 cm2 da, mỗi một cm2 có thể apply được 1mg các sản phẩm skincare.

Nồng độ paraben có trong các loại mỹ phẩm này thường ở mức cao nhất là 1%, và chỉ có 20-60% trong số này có thể đi qua da để đi vào trong cơ thể.

Như vậy bình quân sẽ có khoảng 60mg paraben được hấp thụ vào bên trong cơ thể, con số này chỉ bằng 1/250 lần so với nồng độ paraben trong thí nghiệm!

Như vậy chưa thể khẳng định rằng paraben trong mỹ phẩm là tác nhân gây ra ung thư vì nồng độ paraben thẩm thấu qua da là rất nhỏ.

Theo báo cáo về thành phần mỹ phẩm của CIR năm 1984 khẳng định nồng độ an toàn của paraben trong sản phẩm là 25%, trong khi nồng độ nay trong mỹ phẩm hầu hết chỉ ở mức 0.01 – 0.3%.

Năm 2005, trước những tranh cãi gay gắt xung quanh việc sử dụng paraben, CIR đã quyết định tiến hành nghiên cứu lại độ an toàn của tất cả các hỗn hợp có nguồn gốc paraben và đưa ra kết luận paraben vẫn an toàn và phù hợp để sử dụng cho cả người lớn lẫn trẻ sơ sinh.

Tuy vậy để đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng, Ủy ban mỹ phẩm cộng đồng châu u đã quyết định đưa 5 dẫn xuất của paraben bao gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, bezylparaben, pentylparaben vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm kể từ tháng 9/2014.

Sau đó khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam cũng tiến hành rà soát và cập nhật 5 dẫn xuất này vào danh sách cấm từ ngày 01/08/2015.

FDA quy định thế nào về Paraben?

FDA (Food and Drug Administrator) là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì, chịu trách nhiệm thông qua và giám sát các quy định về an toàn thực phẩm và dược phẩm, thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

FDA luôn có những quy định nghiêm ngặt và khắt khe đối với các sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường Mỹ, chính vì vậy mà mức độ đáp ứng tiêu chuẩn FDA được xem như là thước đo về sự an toàn cho rất nhiều mặt hàng, trong đó có mỹ phẩm.

Đối với paraben, FDA chưa có quy định nào dành riêng cho thành phần này, các nhà khoa học của FDA đang tiếp tục xem xét và nghiên cứu về sự an toàn của paraben.

Tại thời điểm này FDA cho rằng không có thông tin cho thấy paraben trong mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo điều luật của tổ chức Liên bang thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm Hoa Kì (FD&C Act) các sản phẩm và thành phần mỹ phẩm, trừ các chất phụ gia màu, không cần sự chấp thuận của FDA trước khi được tung ra thị trường.

Tuy nhiên sẽ là trái luật nếu các mỹ phẩm bị pha trộn hoặc ghi nhãn hiệu sai và FDA có thể thi hành các biện pháp chế tài đối với các sản phẩm làm sai quy định hoặc trái với các điều luật đã ban hành.

Và để có thể thực hiện các biện pháp này, FDA cần có thông tin khoa học đáng tin cậy cho thấy sản phẩm gây hại ngay cả khi người tiêu dùng sử dụng theo đúng thông tin được hướng dẫn.

Như vậy tại một thị trường khó tính như Mỹ thì hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể nào về paraben và các sản phẩm có nồng độ paraben nằm trong ngưỡng 25% đều được xem là hợp lệ để tiêu thụ.

Kết luận

Chất bảo quản tốt hay xấu đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi và cũng không quá khi nói rằng paraben là thành phần mang tiếng oan nhiều nhất trong số những thành phần đóng vai trò làm chất bảo quản.

Như Phương đã phân tích ở trên, nếu được sử dụng đúng nồng độ và liều lượng thì paraben có đóng góp rất lớn cho ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Và với nồng độ thông thường từ 0.01 – 0.3% trong sản phẩm thì hiện nay cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy paraben ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Để nàng tiện kiểm tra trong bảng thành phần của các loại mỹ phẩm, Phương tổng kết các loại paraben đã bị cấm và đang được phép sử dụng tại châu u và ASEAN như bên dưới:

Các loại paraben bị cấm:

  • isopropylparaben
  • isobutylparaben
  • pentylparaben
  • phenylparaben
  • benzylparaben

Các loại chưa bị cấm:

  • methylparaben
  • ethylparaben
  • propylparaben
  • butylparaben

Là một tín đồ của skincare và ưa thích các sản phẩm thân thiên với làn da, Phương luôn đề cao các sản phẩm không chứa nhiều chất bảo quản và paraben cũng thế.

Tuy vậy thông qua bài viết này, Phương muốn nàng hiểu rõ hơn về paraben để có cái nhìn khách quan hơn khi lựa chọn sản phẩm cho làn da của mình, hãy xem xét và đánh giá một cách công bằng khi lựa chọn nàng nhé.