Hồi đó Phương bị mụn nội tiết, mặt chi chít vết mụn và thâm. Sau đó biết đến skincare rồi tìm tòi học hỏi kiến thức về da cuối cùng Phương cũng tạm thời ăn ngon ngủ kỹ khi đã quẳng đi gánh lo về mụn.
Và cũng từ lúc da Phương có một bước tiến ngoạn mục đó là bạn bè cứ ai có vấn đề về da cũng tìm tới Phương hỏi. Nhiều lúc inbox nổ 2 từ “mày ơi” cái là đoán được nội dung đằng sau luôn, hihi.
Cô bạn thân của Phương đang gặp vấn đề về mụn mủ, trời đất ơi cái mụn nghe tên thôi Phương cũng tự nổi da gà luôn á. Phương vật vã với tụi nó mấy năm trời luôn mà.
Nhân tiện hỗ trợ cô bạn trị mụn Phương đã kết hợp những gì mình biết cộng thêm tìm kiếm thông tin từ các nguồn uy tín để viết một bài tổng hợp “mách nước” cho những ai đang sống chung với loại mụn này đây. Trong bài có đầy đủ những điều cần biết về mụn mủ, nếu muốn “xáp lá cà” với tụi này thì bạn đừng bỏ qua nha.
Mụn mủ là gì?

Mụn mủ là một dạng của mụn bọc, chúng được hình thành từ sự kết hợp của vi khuẩn P.acne với bụi bẩn, bã nhờn bám sâu bên trong lỗ chân lông. Đặc điểm của mụn mủ là sưng to, mẩn đỏ ở xung quanh và bên trong có chứa dịch mủ.
Phần bọc bên ngoài mụn rất mỏng nên chỉ cần tác động nhẹ cũng khiến mụn vỡ làm chảy mủ ra. Phần mủ này chứa các tế bào trung tính đã chết nên khi vỡ sẽ khiến da bị tổn thương nếu không có sự điều trị đúng cách. Thêm một điều nữa là loại mụn này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến khổ chủ phải chịu cảnh đau nhức, khó chịu.
Mụn mủ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và mọc ở mọi nơi trên cơ thể nên rất khó lường.
Nguyên nhân gây nên mụn mủ

Phương biết là bạn đang rất nôn nóng muốn biết cách nào để tiêu diệt lũ mụn đáng ghét này nhưng nếu bạn đang có ý định kéo xuống liền phần bí quyết thì khoan nha. Bình tĩnh, mụn mủ không xuất hiện một lần rồi biến mất mà chúng sẽ gắn liền với bạn cả đời dù bạn có anti chúng cỡ nào đi nữa.
Giống kiểu “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” ớ mọi người. Điều đó xảy ra là vì bạn không biết nguyên nhân sâu xa sự có mặt của chúng nên không điều trị triệt để được. Có nhiều nguyên nhân gây nên mụn mủ lắm đó nha, và chúng ta cần phải nắm rõ tất cả để không chỉ điều trị mà còn ngăn chặn chúng về lâu về dài.
Mụn mủ xuất hiện do vệ sinh da mặt không sạch
Đầu tiên cũng từ chúng ta mà ra, việc chủ quan trong bước làm sạch da khiến cho vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn có điều kiện sinh sôi làm bít tắc lỗ chân lông gây nên mụn.
Sử dụng sữa rửa mặt thôi là chưa đủ để dẹp bỏ hết những yếu tố gây hại trên da đâu nha. Cơ bản bã nhờn là gốc dầu nên chúng ta cần phải có thêm dầu tẩy trang để làm sạch chúng triệt để.
Ngoài ra mỗi tuần bạn cũng hãy duy trì tẩy tế bào chết từ 1 – 2 lần để lấy đi những tế bào sần sùi cho da, giúp lỗ chân lông và bề mặt da thông thoáng. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn, bã nhờn hay bụi bẩn đó.
Ảnh hưởng của yếu tố hormone
Mụn mủ không chỉ đến từ việc da không sạch mà còn có những yếu tố bên trong tác động nên chúng. Đó chính là hormon. Cơ thể phái nữ sẽ có nhiều lần thay đổi nội tiết tố như dậy thì nè, kỳ kinh nguyệt, mang thai hay sinh con nữa.
Những “dịp” như vậy sẽ khiến nội tiết tố bị mất cân bằng, kích thích cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, tăng lượng dầu trên mặt tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào và vi khuẩn sinh sôi nảy nở mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chúng ta có thể cải thiện bằng cách bổ sung nguồn dinh dưỡng thiết yếu hoặc các loại thực phẩm chức năng để cân bằng nội tiết lại.
Mụn mủ có chế độ ăn uống sinh hoạt, không lành mạnh
Chúng ta đang không thực sự biết yêu thương bản thân mình, Phương nhận ra điều đó từ ở Phương và ở cả những người bạn bè, đồng nghiệp xung quanh nữa.
Chúng ta có một chế độ sinh hoạt hết sức bất khoa học như là thức khuya, dậy trễ, lười vận động, ăn uống qua loa hoặc vô tội vạ. Tất tần tật những thứ đó để lại các hệ quả lâu dài, nhưng trước hết phải kể đến là sự xuất hiện với tần suất nhiều hơn của mụn mủ.
Với chế độ sinh hoạt như vậy cơ thể không có sức đề kháng tốt để chống lại các tác nhân gây hại, và lũ mụn thì rất thích những sinh thể yếu ớt như chúng ta bây giờ.
Tác động của môi trường bên ngoài
Môi trường cũng góp một phiếu để cho mụn mủ đàn áp làn da chúng ta. Da giống như là một lớp màng ngăn cách bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể với thế giới bên ngoài.
Hằng ngày chúng chịu áp lực từ các tia gây hại, nắng nóng, mưa gió, khói bụi, vi khuẩn lơ lửng trong không khí… Những điều đó khiến làn da trở nên nhạy cảm và mỏng manh hơn, dễ bị vi khuẩn tấn công hơn.
Thế nên hãy luôn bôi kem chống nắng dù bạn có không đi ra ngoài trời nắng đi nữa. Bên cạnh kem chống nắng cũng hãy che chắn da cẩn thận nhất có thể. Hãy bảo vệ chúng, vì chúng đang bảo vệ bạn.
Do sử dụng mỹ phẩm, bôi các chất không hợp da
Cuối cùng, Phương thật lòng muốn buông một câu hờn trách với những cô nàng nhẹ dạ cả tin xem mặt mình là một miếng giấy nháp để thử lên các món kem trộn không rõ nguồn gốc.
Trời ơi, thời đại nào rồi mà bạn còn tin mấy sản phẩm của các cô nàng hotgirl hay mẹ bỉm sữa quảng cáo bôi hôm nay ngày mai da đẹp liền? Trong hũ kem “trăm rưỡi trăm bảy” đó bạn biết có những thành phần độc hại thế nào không?
Chúng gây mụn mủ thôi là may đấy, chứ kiên trì sử dụng như lời mấy người bán vô tâm nói là bị ung thư da luôn đó. Hơi gắt nhưng Phương nói thật.
Thêm vào đó, hãy tìm hiểu làn da của mình, chịu khó đọc bảng thành phần và thông tin của sản phẩm trước khi dùng lên mặt chứ đừng chỉ nghe người này người kia giới thiệu rồi xài theo. Bạn da dầu mà lại dùng sản phẩm cho da khô thì làm sao da chịu được? Mụn cũng từ đó mà ra chứ đâu.
Các loại mụn mủ
Đừng tưởng mụn mủ chỉ là…mụn mủ thôi nhé, chúng chia ra đến 5 7 loại lận đó. Có loại thì chúng ta nên nặn để lấy nhân ra nhưng cũng có loại nặn vào là coi như rước về cục thâm ngàn năm không mờ.
Trị loại mụn này khổ như vậy đấy, nên phải tìm hiểu xem bạn đang bị loại mụn nào rồi mới tìm cách xử lý được nè.
Mụn mủ trắng

Đây là loại mụn mà khi nhìn thấy sẽ muốn nặn ngay và luôn nhưng chúng thuộc một trong những loại mụn nguy hiểm nhất do đó bạn phải thật cẩn thận. Mụn mủ trắng thường sưng to, đỏ ửng vùng da xung quanh, gây đau nhức và thấy rõ phần mủ trắng bên trong.
Chúng chỉ được nặn khi đã chín, mụn có dấu hiệu sắp vỡ và tốt nhất bạn nên đến các spa để được chuyên viên nặn chứ không tự nặn tại nhà vì dễ để lại sẹo, thậm chí là mụn lây lan nặng hơn.
Mụn mủ sưng đỏ

Loại mụn này bạn sẽ thấy chúng sưng to và nổi rõ lên bề mặt da, chỉ chạm những vùng xung quanh cũng đã thấy đau nhức rồi. Bên trong không chỉ chứa mủ mà còn cả máu độc.
Với mụn sưng đỏ bạn tuyệt đối không được tự ý nặn mà phải chờ cho nhân mụn chín, chuyển sang trắng. Lúc đó hãy đến spa để được xử lý đúng cách. Nếu bị vỡ trước khi chín sẽ rất dễ nhiễm trùng và lan ra những vùng da khác.
Mụn mủ nhỏ

Mụn mủ nhỏ thường thấy ở những người có da dầu nhờn nhiều và cơ địa da dễ bị viêm. Phạm vi nốt mụn nhỏ, chỉ có phần mủ trắng lồi lên trên da.
Khi chín bạn có thể tự nặn để loại bỏ nhân mụn nhưng nhớ là sát khuẩn tay và vệ sinh dụng cụ sạch sẽ, nặn hết cả chân mụn lẫn phần máu độc ra để tránh bị thâm lâu hoặc để lại sẹo rỗ.
Mụn mủ máu

Mụn mủ máu có nhiều kích thước, chúng có thể to như mụn sưng đỏ nhưng cũng có thể nhỏ như mụn nhỏ. Bên trong nhân mụn vừa có máu vừa có mủ, đôi khi còn có thêm dịch vàng. Cũng như mụn mủ nhỏ, chờ khi nó chín bạn có thể tự xử lý nếu tuân thủ đúng quy định khi nặn mụn và chăm sóc da sau mụn.
Mụn mủ sưng cứng

Mụn mủ thường có lớp màng bọc rất mỏng bao quanh nốt mụn, nhưng nhiều khi chúng cũng sẽ tạo thành nốt mụn sưng cứng, khi sờ vào sẽ thấy phần nhân và xung quanh hơi cứng, có thể không nhìn thấy nhân mụn.
Nhân của chúng nằm sâu bên trong da nên với loại mụn này bạn không được tự nặn. Hãy chờ lúc nó chín, nhân mụn lồi hẳn trên da rồi hãy nhờn sự giúp đỡ của các chuyên viên ở spa xử lý.
Vị trí mụn mủ hay mọc
Thực ra có một điều mà chúng ta cần phải cảm ơn mụn mủ. Nghe vô lý quá ha nhưng để Phương giải thích cho nghe nè. Mụn không phải chỉ do da bẩn mà thành, chúng còn là dấu hiệu cho sự bất ổn của những cơ quan trong cơ thể.
Kiểu như là cơ thể chúng ta đang dùng mụn để làm ngôn ngữ “nói” cho chúng ta biết rằng “tao đang bị đau ở đây nè, chữa trị cho tao lẹ lên” vậy á. Vì thế chúng mình phải lưu ý đến vị trí mà mụn mọc lên để có cách xử lý cho phù hợp.
Mụn mủ ở xung quanh miệng

Xung quanh vùng miệng là nơi mà mụn bọc rất yêu thích. Đây là vị trí vùng tam giác nguy hiểm nên bạn cần lưu ý không được nặn lung tung vì sẽ dễ gây méo miệng.
Mụn mủ mọc ở đây có thể là do ruột và gan có vấn đề, chúng không hoạt động ổn định khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng gây nên mụn. Hãy bổ sung vào khẩu phần ăn nhiều chất xơ, rau củ trái cây, uống nhiều nước lọc để tăng cường giải độc cơ thể nhé.
Mụn mủ ở mũi

Mụn mủ rất hay xuất hiện của mũi, vấn đề không chỉ nằm ở một cơ quan nội tạng mà nó chỉ ra được sự bất ổn ở dạ dày, tim mạch, huyết áp. Bạn cần thực sự lưu ý khi mụn mọc ở vị trí này. Có thể dạ dày đang bị rối loạn, khả năng lưu thông máu trong cơ thể kém, sức khỏe của tim không tốt hoặc là huyết áp cao.
Đầu tiên hãy có một chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều hoa quả rau xanh. Thêm vào đó là vận động thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Nếu mụn vẫn mọc nhiều hơn ở mũi thì tốt nhất bạn nên đi khám tổng quát để có hướng điều trị bên trong nha.
Mụn mủ ở cằm

Mụn mủ thường mọc lên ở cằm vào những lúc như đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con… Nói chung lại là khi cơ thể đang bị rối loạn nội tiết tố. Trong trường hợp nếu qua những giai đoạn này rồi mà mụn vẫn còn “đóng đô” ở cằm thì có thể bạn đang gặp vấn đề về buồng trứng, tử cung. Hãy đi khám phụ khoa ngay.
Ngoài ra thói quen chống tay lên cằm cũng là nguyên nhân chính khiến cho mụn xuất hiện ở vị trí này, căng thẳng kéo dài cũng là một yếu tố đóng góp to lớn.
Mụn mủ ở má

Nếu mụn mủ mọc ở má trái thì cơ thể của bạn đang bị nóng, chức năng gan mật không ổn định. Hãy xem thời gian qua bạn có uống nhiều bia rượu hay ăn nhiều loại thức ăn gây nóng trong người không nhé. Điều cần làm là bổ sung các loại thực phẩm có tính hàn để làm mát và giải độc cơ thể ví dụ như bí đao, khổ qua…
Còn mụn mủ mọc ở má phải thì lại là chuyện khác, lúc này vấn đề nằm ở phổi. Có thể hệ hô hấp của bạn đang có vấn đề. Cần phải có chế độ vận động giúp cơ thể được lưu thông đường khí nha.
Việc ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh ngọt, socola, trà sữa…cũng dễ nổi mụn ở má phải, bạn biết mình cần phải làm gì rồi đó. Ngưng tiếp đồ ngọt vào cơ thể nếu không làm tăng insulin mụn sẽ rất lâu lành.
Mụn mủ ở nách
Nách là nơi tuyến mồ hôi hoạt động nhiều và là nơi ở yêu thích của nhiều loại vi khuẩn. Quá đủ điều kiện để hình thành mụn rồi. Ngoài ra mụn mọc ở đây cũng có thể là do viêm nang lông. Dù là lý do gì đi nữa thì cũng rất nguy hiểm, có nhiều trường hợp mụn sưng to, khó lành và phải thực hiện tiểu phẫu.
Điều bạn cần làm là giữ gìn vệ sinh vùng nách, thường xuyên tẩy tế bào chết loại bỏ đi các mảng da sần sùi và mặc áo thoáng mát để ngăn tình trạng đổ mồ hôi nhiều.
Mụn mủ ở vùng kín
Vùng kín là nơi vi khuẩn, nấm ngứa rất dễ tấn công trên da. Ngoài ra việc mặc quần áo quá chật, bí bách càng làm cho mụn nổi lên nhiều hơn. Hãy vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh cân bằng độ pH và mặc trang phục thoáng mát.
Tuy nhiên nếu mụn mủ vẫn còn tập trung ở vị trí nhạy cảm này thì bạn hãy đi khám phụ khoa để được các bác sĩ hỗ trợ kỹ hơn nhé. Rất có thể buồng trứng hay tử cung của bạn đang có vấn đề.
Mụn mủ ở trán
Khi mụn mủ xuất hiện ở trán thì có thể là hệ tiêu hóa và gan của chúng ta đang có vấn đề. Gan là nơi giúp cơ thể thải độc, khi chúng hoạt động không hiệu quả sẽ kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe khác nên bằng mọi cách phải nhanh chóng đi bệnh viện kiểm tra để xử lý.
Ngoài ra cũng có thể là do sự ăn ngủ, nghỉ ngơi của chúng ta không điều độ, uống nhiều bia rượu hay quá nhiều căng thẳng. Mau chấn chỉnh lại nếu không muốn tình trạng nặng nề hơn nhen.
Mụn mủ trên da đầu
Đội mũ bảo hiểm thường xuyên, da đầu nhiều gàu, đổ mồ hôi…là những nguyên nhân gây nên mụn mủ trên da đầu. Các vị trí như rìa chân tóc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở các vị trí này nghe thì không thấy ảnh hưởng gì nhiều vì có mất thẩm mỹ cũng không ai thấy nhưng thực tế điều trị chúng lại khó.
Hãy vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên, sử dụng các loại dầu gội trị gàu không làm khô da, không gội đầu mỗi ngày để làm mất độ ẩm cần thiết trên da là những cách giúp bạn cải thiện tình trạng mụn.
Mụn mủ có nên nặn không?

Đúng là chúng ta cần phải nặn mụn mủ, lấy hết nhân mụn và máu độc ra thì da mới lành được chứ chúng không có tự sinh tự diệt được đâu. Nhưng việc bạn tự nặn thì không nên.
Hãy đến các spa uy tín, người ta có chuyên môn sẽ nhận biết được loại mụn nào nên nặn, loại mụn nào không nên nặn và sau khi nặn thì chăm sóc da như thế nào.
Tuy nhiên sẽ thật khó cho những ai ở cách xa thành phố, không có các spa hay đơn vị nào uy tín gần đó để trị mụn. Nếu vậy bạn có thể tự xử được những loại mụn có dấu hiệu như mụn mủ nhỏ, có nhân đã chín, trồi hẳn lên trên da và thấy được đầu mụn.
Ngoài ra nốt mụn đó cũng đã bớt đau và xung quanh bớt mẩn đỏ. Khi nặn hãy luôn đảm bảo những điều sau đây:
- Sát khuẩn tay thật sạch, đảm bảo không để vi khuẩn từ tay xâm phạm lên vùng da mụn
- Dùng bông tẩy trang hoặc tăm bông làm sạch vùng da mụn bằng nước muối sinh lý
- Không dí ngay đầu mụn mà nặn từ từ xung quanh để đẩy nhân mụn lên
- Sau khi đã lấy được nhân mụn vẫn tiếp tục nặn để lấy hết phần chân mụn và máu độc ra ngoài
- Vệ sinh lại vùng da mụn một lần nữa rồi thoa dung dịch sát khuẩn lên trên và ngăn không cho vùng da này dính bụi bẩn
- 2 – 3 ngày sau khi nặn mụn chỉ rửa mặt với nước muối sinh lý, tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên da, dĩ nhiên là bạn cũng không được dưỡng da với mỹ phẩm trong thời gian này luôn
- Khi đi ra ngoài hãy che chắn da thật kỹ vì lúc này da yếu ớt và nhạy cảm vô cùng
- Chỉ bôi kem trị sẹo khi nốt mụn đã khép miệng
Lưu ý: bạn chỉ được phép nặn những loại mụn nhỏ, nếu mụn lớn bằng mọi cách phải đến spa hoặc trung tâm y tế để được hỗ trợ.
Trên đây là những loại mụn được phép nặn. Những loại mụn chưa nặn được sẽ có dấu hiệu như nhân nằm ẩn dưới sâu, vết mụn còn sưng to và rất đau, vết mụn cứng, không thấy đầu trắng của mụn.
Nếu vậy hãy cho mấy ẻm thời gian. Trong lúc đó bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp để đẩy mụn lên, thúc đẩy nhân nhanh chín. Phương pháp đó là gì thì bạn đọc tiếp sẽ biết nè.
Mụn mủ bị vỡ phải làm sao?

Như Phương đã nói ở trên mụn mủ có một lớp màng bọc rất mỏng nên những tác động thông thường cũng có thể dễ dàng gây vỡ. Nếu bị vỡ mà chúng ta xử lý không đúng cách thì chúng sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề như là nhiễm trùng da, lây lan ra vùng da khác, bị sẹo rỗ và thâm lâu lành.
Cũng có những trường hợp nhiễm trùng từ vết mụn dẫn đến tử vong nên tuyệt đối đừng xem nhẹ tình trạng này. Dưới đây là những điều bạn cần làm khi mụn mủ bị vỡ:
- Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng nước rửa tay tránh đưa vi khuẩn từ tay sang vùng da bị mụn
- Bước 2: Lấy bông y tế (hoặc bông tẩy trang, tăm bông) để thấm bớt phần dịch mủ chảy ra từ vết mụn, tránh để chúng lan ra vùng da xung quanh sau đó dùng miếng bông sạch khác thấm vào nước muối sinh lý (hoặc nước muối pha loãng) để vệ sinh vùng da bị mụn.
- Bước 3: Dùng bông y tế chườm xung quanh rồi đặt tay ở bên vết mụn và từ từ nặn cho ra hết phần nhân với máu độc bên trong. Nhớ là phải nặn ra hết nếu không chúng lại mọc lên lần nữa. Trong trường hợp mụn quá to thì bạn bắt buộc phải đến spa hoặc trạm y tế bất kỳ để được người có chuyên môn xử lý chứ không tự làm nhé.
- Bước 4: Sau khi đã lấy hết nhân mụn và máu độc hãy sát trùng vùng da mụn với dung dịch sát khuẩn như Povidine (dung dịch này bán ở tất cả các hiệu thuốc nên bạn có thể đến đó để mua trước nhé)
Hoàn thành 4 bước trên xem như là bạn đã xử lý được kịp thời nốt mụn, nhưng xong thì chưa xong đâu nha. Chăm sóc da sau khi nặn mụn cũng giống với những điều Phương đã nhắc đến bên trên là:
- 2 – 3 ngày sau khi nặn mụn chỉ rửa mặt với nước muối sinh lý không bôi bất cứ thứ gì lên da
- Che chắn da thật kỹ khi đi ra ngoài
Cách điều trị mụn mủ bằng mỹ phẩm
Hạn chế nặn mụn

Phương không hề khuyến khích các bạn tự nặn mụn, nếu có thể thì dù mụn lớn hay nhỏ cũng hãy tìm đến một spa uy tín để được chăm sóc chuyên sâu. Có rất nhiều điều có thể xảy ra khi bạn xử lý một nốt mụn mủ nhưng không đúng cách:
- Da nhiễm khuẩn từ tay hoặc từ các thứ bạn sử dụng như tăm bông, bông tẩy trang khiến mụn nặng thêm
- Vết mụn bị nhiễm trùng gây nên các biến chứng khó lường như làm mặt biến dạng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng
- Dịch mủ từ mụn lan ra vùng da khác sẽ khiến tình trạng mụn nặng nề hơn
- Khi nặn những cái mụn có nhân nằm sâu thì tác động không đúng cách lên da sẽ khiến nhân mụn ẩn sâu vào trong, khó điều trị hơn sau này
- Để lại các vết sẹo, nhẹ thì sẹo thâm, nặng thì sẹo rỗ, sẹo lồi
Hạn chế trang điểm
Là phụ nữ ai cũng muốn thêm chút son phấn để mình trông xinh đẹp hơn. Thế nhưng trong thời gian bị mụn mủ bạn hãy chịu khó hạn chế trang điểm, bớt đẹp một chút để có thể đẹp dài lâu sau này.
Dù bạn có cố gắng sử dụng mỹ phẩm tốt đến đâu thì chúng cũng sẽ chứa những thành phần có hại cho da, nhất là các loại mỹ phẩm chống nước như eyeliner, kem nền, kem che khuyết điểm… Chúng sẽ khiến da bị bí và mụn càng dễ “quậy phá” trên da hơn.
Thêm vào đó nếu make up thì bắt buộc bạn phải tẩy trang kỹ, mà để tẩy trang kỹ phải dùng lực mạnh chà xát lên da. Mụn mủ có màng bọc rất mỏng, việc tác động mạnh sẽ khiến chúng dễ bị vỡ và lây lan ra những vùng da khác. Đủ lý do để chúng ta hạn chế trang điểm khi đang bị mụn rồi đúng không?

Dùng các sản phẩm đặc trị

Những làn da đang gặp vấn đề mụn mủ ngoài các biện pháp chăm sóc và phương pháp từ thiên nhiên, chúng ta cũng cần sử dụng các hoạt chất trị mụn thích hợp để ức chế hoạt động của vi khuẩn gây mụn.
Hỗ trợ quá trình điều trị mụn mủ diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn, tránh lan rộng sang các vùng da khác. Duới đây là một số hoạt chất “đặc trị” bạn nên cân nhắc khi mua các sản phẩm có tác dụng điều trị mụn mủ:
Benzoyl peroxide:
- Hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn đã nhân lên và trộn lẫn vào tế bào da bên trong các lỗ chân lông.
- Khi sự sản sinh của vi khuẩn bị ngăn chặn, việc điều trị mụn bọc sẽ trở nên dễ dàng hơn, bã nhờn và tế bào da chết sẽ nổi lên bề mặt, các vết đỏ và viêm sẽ từ từ biến mất.
Salicylic acid
- Salicylic Acid hay còn biết đến với tên là BHA, chúng là một acid gốc dầu có khả năng len lỏi vào sâu bên trong lỗ chân lông, làm lỏng sự liên kết của các bã nhờn, loại bỏ bụi bẩn lên bề mặt để loại bỏ chúng và se khít lỗ chân lông.
- Salicylic Acid có có tác dụng điều tiết bã nhờn, đẩy nhân mụn lên trên và kháng khuẩn để giúp tình trạng mụn nhanh chóng phục hồi
Retinoids:
- Retinoids là tên gọi khác của Vitamin A, chúng có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, làm giảm sưng viêm giúp cho nốt mụn nhanh lành
- Bên cạnh đó Retinoids còn giúp làm giảm bã nhờn trên da, se khít lỗ chân lông và hỗ trợ ngăn ngừa hình thành sẹo sau mụn
** Tuy có hiệu quả trị mụn rất tốt, nhưng các loại hoạt chất nêu trên thường gây ra tình trạng khô da và bong tróc do hoạt tính mạnh mẽ. Bạn có thể dùng Panthenol (B5) kết hợp với Acid Hyaluronic để cung cấp đủ ẩm cho da trong quá trình dùng các loại treatment kể trên.
Chính vì vậy, khi sử dụng những hoạt chất trị mụn nêu trên, bạn nên cách giãn tần suất sử dụng cho da thích nghi dần với hoạt chất, đồng thời sử dụng thêm kem dưỡng ẩm có kết cấu lỏng nhẹ để tránh tình trạng khô da quá mức dẫn đến kích ứng nhé!
[su_note note_color=”#F08080″ text_color=”#FBF5EF” radius=”3″ class=”” id=””]Xem thêm: Chăm sóc tất cả các loại da theo cách này để cải thiện tốt nhất[/su_note]Điều trị mụn mủ bằng các phương pháp tự nhiên
1. Trị mụn mủ bằng diếp cá

Mụn mủ nghe thấy thì đáng sợ vậy đó nhưng chúng cũng sẽ đầu hàng trước các nguyên liệu thiên nhiên dễ kiếm. Bản thân Phương đã từng thử qua nhiều cách nhưng vẫn bất ngờ trước sự hiệu quả mà những thành phần quen thuộc này mang lại.
1. Trị mụn mủ bằng diếp cá
Diếp cá là loại rau có tính mát, có khả năng thanh nhiệt giải độc cho cơ thể. Bên cạnh đó diếp cá có chứa một hoạt chất tên là decanoyl-acetaldehyd có tác dụng kháng sinh tự nhiên, tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh và gây mụn.
Đồng thời chất này cũng làm giảm viêm, kích thích sản sinh tế bào mới để giúp vết mụn nhanh lành. Một hợp chất quan trọng khác mà người ta tìm thấy trong loại rau này là quercetin, chúng là một chất chống oxy hóa có khả năng ức chế các gốc tự do cứng đầu nhất để bảo vệ da.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Làm sạch da với nước tẩy trang và sữa rửa mặt (nếu mụn mọc ở những vùng khác ngoài mặt thì làm sạch bằng sữa tắm), lau khô da bằng khăn bông mềm, nhớ chỉ thấm bớt nước chứ không chà xát lên da để tránh tổn thương vết mụn
- Bước 2: Rửa sạch rau diếp cá rồi đem đi xay nhuyễn sau đó vắt lấy nước cốt
- Bước 3: Dùng bông tẩy trang thấm lấy nước diếp cá rồi thoa lên vùng da bị mụn. Để yên trong vòng 15 phút.
- Bước 4: Sau 15 phút thì rửa mặt lại với nước ấm.
Trị mụn mủ bằng tỏi

2. Trị mụn mủ bằng tỏi
Tỏi được biết đến là một loại kháng sinh tự nhiên, chúng chứa trong mình nhiều hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm như là allicin, glucogen, aliien, fitonxit, ajoene.
Nhờ đó tỏi có thể ức chế được sự sinh sôi của vi khuẩn, dẹp bỏ chúng ra khỏi da, giảm sưng viêm và làm xẹp vết mụn nhanh chóng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bóc vỏ và rửa sạch tép tỏi sau đó cắt từng miếng mỏng
- Bước 2: Làm sạch da mặt hoặc vùng da bị mụn rồi lau khô bằng khăn bông mềm
- Bước 3: Lấy từng miếng tỏi đắp lên các nốt mụn
- Bước 4: Cứ khoảng 3 phút 1 lần bạn hãy thay miếng tỏi khác. Cứ làm như thế cho đến hết 15 phút.
- Bước 5: Rửa lại mặt với nước ấm.
Tần suất thực hiện: 2 – 3 lần/ 1 tuần
Trị mụn mủ bằng trà xanh

Trà xanh có chứa hợp chất chống oxy hóa nổi tiếng có tên là EGCG, chúng là một polyphenolic. Ngoài việc ức chế gốc tự do gây hại thành phần này có khả năng điều hòa nồng độ androgen – hormone sản sinh ra lượng dầu thừa trên da giúp cho da hạn chế bóng dầu và tích tụ vi khuẩn.
Catechin có trong trà xanh còn có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, làm sạch da để cải thiện tình trạng mụn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Vò nát lá trà rồi cho vào nồi, thêm một lượng nước vừa phải để đun sôi
- Bước 2: Khi thấy nước sôi thì tắt bếp, để nước nguội trong khi đó thì làm sạch vùng da bị mụn
- Bước 3: Khi nước đã nguội, sờ tay vào chỉ còn một chút cảm giác âm ấm thì lấy nước đó để rửa mặt. Bạn cũng có thể dùng bông tẩy trang nhúng vào nước trà xanh rồi áp lên vùng da mụn trong khoảng 10 phút. Không cần rửa lại với nước.
Trị mụn mủ bằng bột đậu xanh

Đậu xanh và vỏ của chúng có hàm lượng vitamin C cao, chúng có khả năng ức chế sự hình thành của hắc tố melanin để dưỡng sáng da, cải thiện vết sẹo thâm.
Không chỉ thế đậu xanh còn chứa các loại vitamin khác như E, B2, B6 chúng đều là những cái tên hỗ trợ rất tốt trong việc điều trị mụn, làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn quay trở lại
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch vùng da bị mụn, lau khô bằng khăn mềm
- Bước 2: Cho bột đậu xanh đã xanh vào 1 cái chén sạch rồi từ từ đổ nước vào, khuấy đều để thu được một hỗn hợp đặc sệt. Bạn cũng có thể thay thế nước lọc bằng mật ong nha.
- Bước 3: Dùng cọ đắp mặt nạ thoa hỗn hợp đậu xanh lên vùng da mụn, có thể thoa lên toàn mặt để dưỡng da luôn nhé
- Bước 4: Nằm thư giãn trong vòng 15 – 20 phút rồi rửa lại với nước ấm
Trị mụn mủ bằng mật ong

Trong mật ong có vô vàn các dưỡng chất tốt cho da, đặc biệt là da bị mụn. Chúng chứa hàm lượng vitamin E, vitamin B, axit béo, axit amin, peptide cùng nhiều chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, làm dịu da, giảm tình trạng sưng tấy và mẩn đỏ của nốt mụn.
Ngoài ra mật ong còn có khả năng sản sinh ra hoạt chất hydrogen peroxide để làm mờ vết sẹo thâm do mụn để lại.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch da mặt và vùng da bị mụn, dùng khăn mềm thấm khô nước trên da
- Bước 2: Cho mật ong và bột nghệ vào một chiếc bát nhỏ, khuấy đều cho đến khi thu được hỗn hợp đặc sệt
- Bước 3: Thoa hỗn hợp thu được lên vùng da bị mụn, 2 nguyên liệu này cũng có khả năng làm sáng da rất tốt nên bạn có thể sử dụng làm mặt nạ cho toàn mặt nhé
- Bước 4: Nằm thư giãn trong vòng 15 – 20 phút sau đó rửa sạch da với nước ấm
Tần suất thực hiện: 2 lần/tuần. (Vì mật ong có tính chất bắt nắng)
Trị mụn mủ bằng nha đam

Nha đam có tác dụng làm dịu da, giảm nhanh các kích ứng từ vết mụn mủ. Loài cây quen thuộc này có chứa hơn 75 hợp chất khác nhau, hầu hết chúng đều mang lại những ích lợi cho da.
Glycoprotein giúp giảm tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy của nốt mụn. Auxins, Polysaccharides và Gibberellins là những hormon có tác dụng ức chế vi khuẩn và kích thích tái tạo tế bào da mới.
Trong khi đó các Acid Salicylic, Lignin và Saponins sẽ làm sạch da, điều tiết bã nhờn, se khít lỗ chân lông và ngăn ngừa gốc tự do gây hại. Dĩ nhiên còn phải kể đến các chất dưỡng ẩm xịn sò có trong nha đam như là vitamin E, vitamin C…
Cách thực hiện:
- Bước 1: Vẫn phải rửa sạch mặt hoặc vùng da bị mụn bằng dầu tẩy trang và sữa rửa mặt, đảm bảo da thật sạch trước khi đắp nha đam nhé. Sau khi rửa mặt thì dùng khăn mềm thấm khô nước trên da
- Bước 2: Cắt một khoanh nha đam, rửa sạch, lọc bỏ phần lá xanh bên ngoài. Cắt phần thịt trong suốt bên trong thành những lát mỏng rồi đắp lên vùng da bị mụn
- Bước 3: Sau khi đắp lên da từ 10 – 15 phút thì lấy ra rồi rửa lại với nước sạch
Tần suất thực hiện: 3 lần/tuần.
Mụn mủ nên ăn gì?
Như bạn đã biết, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều trị mụn mủ. Một số gợi ý về thực phẩm nên ăn khi bị mụn mủ bạn nên tham khảo:
Rau xanh

Rau xanh chứa nhiều chất xơ, vitamin A, D, E và kẽm. Chúng là nguồn dưỡng chất phong phú tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ ngăn ngừa và giúp vùng da bị mụn nhanh lành. Những loại rau xanh bạn nên ăn là rau má, rau mồng tơi, rau cải xanh, rau cần, rau dền, rau khoang lang, rau bồ ngót.
Uống nhiều nước

Uống đủ nước cho cơ thể mỗi ngày không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp loại bỏ mụn nhanh chóng. hãy uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày (bao gồm cả nước lọc, các loại nước hoa quả, sinh tố,…). Cách này cũng giúp cơ thể thải độc và thận làm việc hiệu quả hơn.
Trái cây tươi
Không thể phủ nhận trong các loại trái cây có chứa các loại vitamin rất tuyệt vời có công dụng hỗ trợ và điều trị mụn mủ. Ăn nhiều trái cây giúp làm mát, cung cấp đủ nước, vitamin, khoáng chất và lượng đường tự nhiên cần thiết cho cơ thể.
Cá hồi

Cá hồi có chứa thành phần chính là axit béo Omega3 giúp ngăn ngừa và chống viêm hiệu quả. Hơn nữa omega3 còn có khá năng làm giảm sản sinh lượng dầu dư thừa insulin 1 giúp da giảm thiểu mụn bọc một cách hiệu quả nhất.
5. Bột sắn dây
Bột sắn dây chứa nhiều tinh bột, chất xơ, axit amin và các chất chống lão hóa điển hình như flavonoid giúp chống oxy hóa, giải độc cơ thể, loại bỏ những độc tố tích tụ ra bên ngoài để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa mụn. Bột sắn dây cũng có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng và làm xẹp nốt mụn nữa đấy.
Bị mụn mủ không nên ăn gì
Ngoài những món mà khi bị mụn mủ nên ăn thì cũng có những món mà bạn cần tránh trong thời gian này. Có thể kể đến như là các loại tinh bột nhiều carbohydrates tinh chế như bánh mì, gạo trắng, miến gạo.
Tiếp đến là các món đồ ngọt nhiều đường như socola, nước ngọt. Các loại làm từ sữa, hải sản biển, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ và có tính nóng cũng cần kiêng kỵ. Lý do là bởi vì chúng làm tăng nồng độ insulin trong máu và khiến rối loạn hormone nên mụn rất lâu lành và dễ để lại sẹo thâm lâu ngày không khỏi.
Lời kết
Chiếc content hơi dài nhưng rất có tâm để nói về một trong những kẻ thù không đội trời chung của chúng ta nên các nàng hãy ghi nhớ thật kỹ nhen, sau này tụi nó có kéo quân tới đóng đô trên mặt cũng có vũ khí đem ra xử liền. Thực ra các cách kể trên cũng áp dụng cho nhiều loại mụn khác như mụn viêm, mụn bọc, mụn trứng cá…nữa đó.
Người ta nói “có bệnh thì vái tứ phương” nên nếu bạn có đang bị những dòng mụn liên quan hãy cứ thử nhen. Yên tâm là Phương đã tìm những cách cực kỳ an toàn và lành tính, không bổ dọc thì cũng bổ ngang nè. Trong những phương pháp tự nhiên nói trên bạn nhất định phải thử cách trị mụn bằng tỏi nhé. Phương đã sử dụng và chỉ sau 1 đêm ngủ dậy không tin được là nốt mụn đã xẹp lép một cách thần kỳ.